Quy chế quản lý khu nhà Vương: Quản lý, sử dụng nguồn thu công khai, minh bạch

VHO- Huyện Đồng Văn mới đây đã trao bản Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật khu nhà Vương (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn) cho đại diện chủ sở hữu khu dinh thự (hậu duệ vua Mèo) sau khi đã được các bên thống nhất. Những nội dung được quan tâm như quản lý, tu bổ di tích; quản lý, sử dụng nguồn thu… được quy định chặt chẽ tại quy chế này.

Quy chế quản lý khu nhà Vương: Quản lý, sử dụng nguồn thu công khai, minh bạch - Anh 1

 Dinh thự vua Mèo họ Vương

Công khai, minh bạch

Về nội dung quản lý, sử dụng nguồn thu, quy chế có riêng một chương, nêu rõ, phí tham quan khu dinh thự nhà Vương được nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của HĐND và UBND tỉnh. Tỉ lệ trích nộp ngân sách là 60% theo quy định hiện nay của tỉnh Hà Giang. Tỉ lệ này có thể thay đổi khi địa phương ban hành quy định mới. 40% tiền bán vé còn lại chia làm hai phần, các chủ sở hữu dòng họ Vương hưởng 20%; 80% dùng để duy trì hoạt động khu dinh thự, phục vụ duy tu, sửa chữa thường xuyên.

Tiền thu phí tham quan và nguồn thu dịch vụ khác (nếu có) liên quan đến việc quản lý, khai thác, bảo vệ di tích nhà Vương do BQL Di tích và danh thắng huyện Đồng Văn quản lý công khai, minh bạch theo quy định hiện hành. Ngoài số tiền thu phí tham quan được trích nộp ngân sách và chia cho các chủ sở hữu dòng họ Vương, dùng để duy trì hoạt động khu dinh thự, phục vụ duy tu, sửa chữa thường xuyên thì các nguồn thu hợp pháp khác do BQL Di tích và danh thắng huyện Đồng Văn quản lý và sử dụng theo quy định. Các khoản thu, chi phải được hạch toán đầy đủ trên hệ thống sổ sách kế toán; hằng quý, năm thực hiện báo cáo quyết toán gửi cơ quan tài chính theo quy định.

Tu bổ di tích phải đảm bảo các yếu tố gốc

Theo quy định tại Quy chế về quản lý, tu bổ di tích thì phạm vi quản lý, khai thác, bảo vệ và bảo tồn thuộc di tích nhà Vương bao gồm khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xác lập từ năm 1993 đến nay. Đối với các hộ gia đình đang sinh sống tại khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích có trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan, cũng như các quy định của tỉnh Hà Giang.

Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Khu nhà Vương, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang nhấn mạnh việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cần đảm bảo các yếu tố cấu thành di tích. Khi sửa chữa lớn phải lập dự án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đúng trình tự, thủ tục quy định pháp luật hiện hành và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Việc sửa chữa nhỏ không làm ảnh hưởng đến yếu tố cấu thành di tích phải báo cáo, xin ý kiến và được sự đồng ý bằng văn bản của UBND huyện Đồng Văn và các cơ quan liên quan. “Kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích được sử dụng từ nguồn thu phí tham quan theo quy định của tỉnh; ngân sách Trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu (nếu có) và nguồn ngân sách địa phương.

Một nội dung chiếm nhiều dung lượng của bản Quy chế quy định về trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của Chủ sở hữu khu nhà Vương và trách nhiệm của Tổ quản lý di tích.

Quy chế quy định UBND huyện Đồng Văn ngoài việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định hiện hành, trực tiếp chỉ đạo BQL Di tích và danh thắng huyện thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật; có trách nhiệm tuyên truyền và hướng dẫn người dân đang sinh sống tại khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Chỉ đạo Phòng VHTT huyện Đồng Văn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về di sản, giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di tích; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi hủy hoại, lấn chiếm, xây dựng trái phép hoặc gây nguy hại đến không gian, cảnh quan môi trường kiến trúc của di tích…

Chủ sở hữu di tích Khu nhà Vương gồm 16 người có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được quy định rõ trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tuyên truyền giáo dục cho các thành viên trong dòng họ hiểu biết và thực hiện tốt các quy định trong việc quản lý, bảo vệ di tích… Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống nhằm phát huy giá trị của di tích, theo quy định pháp luật…

  Phí tham quan khu dinh thự nhà Vương được nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của HĐND và UBND tỉnh. Tỉ lệ trích nộp ngân sách là 60% theo quy định hiện nay của tỉnh Hà Giang. Tỉ lệ này có thể thay đổi khi địa phương ban hành quy định mới. 40% tiền bán vé còn lại chia làm hai phần, các chủ sở hữu dòng họ Vương hưởng 20%; 80% dùng để duy trì hoạt động khu dinh thự, phục vụ duy tu, sửa chữa thường xuyên.

Giá vé tham quan di tích dinh nhà Vương là 20.000 đồng mỗi lượt. Mỗi năm có khoảng 150.000 lượt khách du lịch đến tham quan. Hiện có 16 người là con cháu dòng họ Vương là đồng sở hữu khu dinh thự.

Theo quy chế, các nguồn thu từ khu dinh thự được công khai hằng năm. Huyện Đồng Văn chi trả mỗi năm hai lần cho các hậu duệ vua Mèo vào tháng 1 và tháng 7. Đại diện chủ sở hữu khu dinh thự (hậu duệ vua Mèo) đã nhận bản quy chế và đồng ý với nội dung liên quan.

 HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc